Ải Nam Quan của Việt Nam hay Trung Quốc?

Ải Nam Quan hay Trấn Nam Quan, có nghĩa là “cửa ải trấn giữ phương nam”, là 1 quan ải rất nổi tiếng đối với người Việt Nam. Nó gắn liền với nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm phương bắc, được nhắc đến trong các sự kiện lịch sử. Bởi vậy, nhiều ngưởi Việt cho rằng đây là 1 địa danh của Việt Nam. Vậy sự thật là như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Những sự kiện lịch sử gắn với Ải Nam Quan

Năm 981, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng của Đại Cồ Việt bị ám sát, vua nhà Tống là Tống Thái Tông sai Hầu Nhân Bảo tấn công Đại Cồ Việt qua đường Lạng Sơn, đi qua ải Nam Quan.

Năm 1077, Tống Thần Tông sai Quách Quỳ tấn công Đại Việt, quân bộ đã đi theo đường ải Nam Quan, xuống ải Quyết Lý rồi ải Chi Lăng.

Năm 1285 và 1287, vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai Thoát Hoan tấn công Đại Việt bằng đường bộ qua Lạng Sơn, ắt phải qua ải Nam Quan.

Năm 1427, tướng nhà Minh là Liễu Thăng đi qua trấn Nam Quan để xuống Đông Quan cứu viện Vương Thông, sau đó bị quân Lam Sơn giết tại đèo Mã Yên.

Năm 1788, theo lời cầu viện của Lê Duy Kỳ, vua nhà Thanh là Càn Long cử 3 cánh quân sang Đại Việt đánh quân Tây Sơn, trong đó cánh quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy vào cửa Nam Quan, qua Lạng Sơn rồi xuống Thăng Long.

ai-nam-quan
Ải Nam Quan là địa danh gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử VIệt Nam

Do được nhắc đến nhiều trong các sự kiện lịch sử, nên nhiều người Việt nghĩ rằng Ải Nam Quan vốn là của Việt Nam, hoặc nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Ải Nam Quan ngày nay nằm ở thôn Ải Khẩu, trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường, địa cấp thị Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cách biên giới Việt Trung 5 kilomet về phía bắc. Hay nói cách khác, Ải Nam Quan nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.

2. Vấn đề phân đinh biên giới

Kể từ những năm 1970, Việt Nam và Trung Quốc đã có những tranh chấp về lãnh thổ trên bộ. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cuộc đàm phán giữa 2 bên đã diễn ra. Và 1 trong những kết quả của các cuộc đàm phán, đó là Ải Nam Quan thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Nói đến đây, nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng: “Liệu có phải Việt Nam đã nhượng bộ, nhường đất cho Trung Quốc hay không?” Câu trả lời là: không!

Về mặt pháp lý, cả 2 nước đều thống nhất sử dụng “Công ước Pháp Thanh” năm 1887 và 1895, làm căn cứ để xác lập đường biên giới. Công ước này mô tả: “đường biên nằm ở phía nam Ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Như vậy, đường biên giới tại khu vực này luôn nằm về phía nam Ải Nam Quan, chứ không phải đi qua Ải Nam Quan theo tiềm thức của người Việt Nam, và không có chuyện Việt Nam đã nhường Ải Nam Quan cho Trung Quốc như nhiều người suy diễn.

Về mặt lịch sử, Ải Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Hán, tên gọi ban đầu là “Ung Kê Quan”, về sau được đổi tên thành “Đại Nam Quan”, “Giới Thủ Quan”. Năm Hồng Vũ nguyên niên (1368), triều Minh đổi tên thành Kê Lăng Quan. Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5, tức ngày 5 tháng 7 năm 1407, triều Minh đổi tên thành Trấn Di Quan. Trong khoảng thời gian từ năm 1428 đến năm 1539, Trấn Di Quan được đổi tên thành Trấn Nam Quan. Tháng 10 năm 1954, Chính vụ viện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, phê chuẩn đổi tên thành Mục Nam Quan. Tháng 1 năm 1965, Quốc vụ viện Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đổi tên thành Hữu Nghị Quan. Cái tên này được sử dụng cho đến ngày nay.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí năm 1882 của nhà Nguyễn, đoạn nói về Ải Nam Quan viết rằng: “Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa này dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 nhà Thanh (1725), án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là “Đại Nam Quan”, phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề “Trấn Nam Quan”, dựng từ năm Ung Chính thứ 6, 1728, triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ “Trung ngoại nhất gia”, dựng từ năm Tân Sửu (1781), đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có “Chiêu đức đài”, đằng sau đài có “Đình tham đường” của nước Thanh; phía nam có “Ngưỡng đức đài” của nước ta, bên tả bên hữu có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ.”

ai-nam-quan

Ải Nam Quan do người Trung Quốc xây dựng và quản lý

3. Kết

Như vậy, Ải Nam Quan được triều đại phong kiến phương bắc xây dựng và sử dụng cho đến ngày nay. Bản thân tên gọi Ải Nam Quan có nghĩa là cửa ải phía nam, Trấn Nam Quan nghĩa là trấn giữ phương nam, hay Mục Nam Quan nghĩa là cửa ải nhìn về phía nam. Từ đó không thể nói Ải Nam Quan là của người phương Nam được, nếu của người phương Nam thì có lẽ phải gọi là Ải Bắc Quan.

Quan lâu Hữu Nghị Quan ngày nay được xây lại năm 1957, cao 22 mét, gồm một tầng đế và ba tầng gác có hành lang bao quanh. Tầng đế có diện tích 365,7 mét vuông, dài 23 mét, rộng 15,9 mét, độ cao bình quân là 10 mét. Mỗi tầng gác có diện tích bình quân là 80 mét vuông. Phía trên cổng vòm của quan lâu có một bức đại tự làm bằng hán bạch ngọc, khắc ba chữ Hữu Nghị Quan. Ba chữ này là do phó thủ tướng Quốc vụ viện, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Nghị viết.

Tóm lại, Ải Nam Quan do Trung Quốc xây dựng và quản lý, không có chuyện Việt Nam đã nhường Ải Nam Quan cho Trung Quốc. Địa danh này thường được nhắc đến nhiều trong các sự kiện lịch sử, bởi nó nằm trên con đường đi từ Trung Quốc sang vùng Đông Bắc nước ta. Các cuộc hành quân của quân xâm lược phương Bắc thường đi theo đường này, và các sứ bộ ngoại giao của 2 nước thời phong kiến cũng thường gặp nhau ở đây.